*Bạn đang ở web phiên bản desktop. Quay lại phiên bản dành cho mobilex

Giang Châu

Sinh nhật: 1952

Giới tính:

Quốc gia: Việt Nam

Những bài hát từ những chiếc radio, cassette, loa phóng thanh hay của chiếc máy hát dĩa, những âm thanh văng vẳng từ xa đưa đến, họ phải hết sức tập trung cố ý lắng nghe, câu được câu mất, thưởng thức những giọng ca tuyệt vời của những thần tượng yêu thích nếu có gặp cũng chỉ trong mơ. Những buổi hát Kỳ Yên, cúng đình hay những đoàn hát nhỏ về diễn ở sân đá bóng, hay khu đất nhỏ của ban văn hóa... gần hơn là những cuộc đờn ca trong xóm ấp đã lắng đọng vào tâm hồn và họ đã bậc lên tiếng hát cho quên những lo toan cơm áo trong đời.
Ở Chợ Lách - Bến Tre, năm 1964 có một cậu bé 12 tuổi đã biết đờn ca tài tử với những anh em trong xóm ấp, cậu ta nhỏ tuổi nhất lại là người có giọng ca hay nhất, nhà nghèo nên hằng ngày sau nửa buổi đi học, nửa buổi còn lại cậu ta phải đi coi trâu. Những buổi chăn trâu trên đồng ấy, cậu ta hát nghêu ngao cho đỡ buồn, đồng thời thể hiện tính cách hồn nhiên, vui tươi của trẻ con. Thấy thằng nhỏ ca hay nên anh Ba Hiến, anh Hai Đực, anh Tư Hùng, mỗi người dạy một chút, dạy cho ca trúng nhịp, dạy cho biết cách uốn éo, lạng bẻ cho độc đáo, các anh thường hay khen: 'Thằng Châu ca rất giống Minh Cảnh...', nghe khen như vậy cậu ta cũng khoái chí lắm. Minh Cảnh quả thật là thần tượng của cậu ta. Cậu bé 12 tuổi chăn trâu ấy chính là NSUT Giang Châu ngày nay.
Anh tên thật là Trần Ngọc Châu, sinh năm 1952, sinh trưởng ở Chợ Lách, Bến Tre. Lớn lên một chút khoảng 14-15 tuổi, Châu tiếp tục đi làm mướn, làm tài công lái tàu, chủ tàu là ông Hai Đực một người biết đờn, là người thầy đầu tiên. Cũng vì khoái giọng ca của Châu mà Hai Đực đã giao chiếc tàu chở trái cây cho Châu, dạy thêm nghề lái tàu đưa trái cây từ Chợ Lách lên Cái Bè bán cho các vựa lớn. ở gần nhà Châu có anh Anh Tuấn (anh tư nghệ sĩ Dương Thanh) đánh đàn guitar khá hay, tham gia ở đội văn nghệ Quận. Sau Tết Mậu Thân, nhân một bữa đội văn nghệ Quận về hát tại ấp nhà, Anh Tuấn giới thiệu Giang Châu lên hát mấy bài vọng cổ, tên Quận trưởng có mặt trong buổi văn nghệ ấy khoái giọng ca của Châu, bắt Châu vô hát ở đội văn nghệ Quận. Đó là lần đầu tiên Châu chính thức trở thành người ca hát có lương.